Luôn tuân thủ kế hoạch

Với mong muốn những chia sẻ về những tư duy, kỷ luật đầu tư sẽ có thể giúp Anh Chị có thêm nhiều góc nhìn mới và sâu sắc để chúng ta có thể đạt đến mục tiêu thành công trên thị trường chứng khoán.

Hôm nay em xin chia sẻ về một quy tắc quan trọng đầu tiên đối với một nhà giao dịch, nghe có vẻ rất quen thuộc, nhưng lại là việc mà hầu hêt nhà đầu tư thường hay xem nhẹ: “LUÔN TUÂN THỦ KẾ HOẠCH”

Nhìn lại thị trường chứng khoán giai đoạn biến động vừa qua, để “hy vọng” về một xu hướng nào đó cho thị trường là điều hoàn toàn vô nghĩa.  Do đó để tìm kiếm lợi nhuận lúc này, nhà đầu tư phải xác định rõ chiến lược đầu tư của mình.

Nhưng sự thật là: “Bất kể chiến lược đầu tư của bạn là gì, phương pháp giao dịch của bạn là gì, nếu bạn không có một kế hoạch, cuối cùng bạn cũng phá hủy bản thân mà thôi”.

Bài viết thảo luận 2 nội dung sau:

  • Luôn tuân thủ kế hoạch – mấu chốt trở thành nhà giao dịch thành công
  • Cần tuân thủ kế hoạch gì

1.   LUÔN TUÂN THỦ KẾ HOẠCH – MẤU CHỐT TRỞ THÀNH NHÀ GIAO DỊCH THÀNH CÔNG

Gần như tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống: từ xây dựng nhà cửa, công việc, học tập, kinh doanh… đều yêu cầu phải lập kế hoạch trước khi bắt đầu tiến hành, đầu tư chứng khoán cũng vậy. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư không hề có bất cứ kế hoạch nào khi tham gia thị trường chứng khoán. Thay vào đó, họ chỉ hy vọng khoản đầu tư của mình sinh lời ngay lập tức với những ý tưởng không thực tế về hoạt động đầu tư. Lòng tham luôn chiến thắng và họ chỉ thấy kịch bản tăng giá. Họ không thể suy nghĩ đến việc phản ứng ra sao khi gặp phải kịch bản giảm giá hoặc đơn giản họ cho rằng, điều đó không thể xảy ra.

Đầu tư chứng khoán là một ngành kinh doanh khắc nghiệt. Vậy tại sao bạn lại đặt cược tài sản mà không hề có một kế hoạch chu đáo? Và nhiều nhà đầu tư vẫn thường xuyên làm như thế.

Hãy có một kế hoạch giao dịch, cho dù đó là gì, miễn là có một kế hoạch phù hợp nhu cầu của bản thân, đây là nền tảng ban đầu để làm việc và có thể chỉnh sửa dần dần đến khi hoàn thiện.

Kế hoạch sẽ đưa ra những quy tắc nền tảng cho hoạt động giao dịch của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn biết sẽ đầu tư, mua bán cái gì, tại sao, khi nào và làm như thế nào. Có một kế hoạch không đảm bảo rằng bạn sẽ thành công ở mỗi lần giao dịch, nhưng nó sẽ giúp bạn quản trị rủi ro, tối thiểu hóa thua lỗ, bảo vệ lợi nhuận khi có và xử lí những sự kiện bất ngờ đòi hỏi phải hành động quyết đoán ngay lập tức. Tất cả những điều này sẽ cải thiện khả năng chiến thắng của bạn theo thời gian.

Bất kể phương pháp của bạn là gì, nếu bạn không có một kế hoạch, cuối cùng bạn cũng phá hủy bản thân mà thôi. Bạn sẽ không thể quản trị nổi các chiến lược giao dịch – nên mua ở đâu, bán ở đâu, có nên tiếp tục nắm giữ? Trừ khi bạn có một kế hoạch chi tiết bao gồm các tín hiệu cho thấy giao dịch hoạt động đúng như kì vọng, và những vi phạm giúp bạn cảnh giác và điều chỉnh hành động một cách phù hợp.

Vì thế, hãy có một kế hoạch. Thành công của bạn tùy thuộc vào nó.

Hãy tôn trọng sức mạnh của đám đông – nhưng đừng e sợ nó.

  • Hầu hết mọi người cảm thấy bị cám dỗ tham gia vào đám đông và hành động giống như mọi người. Điều này khiến cho tâm lí của đám đông tác động đến chúng ta khi bạn thực hiện một giao dịch. Một nhà giao dịch thành công phải suy nghĩ độc lập. Bạn cần phải tỉnh táo để phân tích thị trường một cách độc lập và đưa ra các quyết đinh giao dịch.
  • Đám đông có đủ sức mạnh để tao nên xu hướng. Đám đông có thể không quá thông minh, nhưng vẫn mạnh hơn bất kì ai trong chúng ta. Đừng bao giờ đi ngược xu hướng. Bạn không cần thiết phải chạy theo đám đông. Nhưng bạn không được phép chống lại đám đông.

Em xin phép chia sẻ những thành phần chính của KẾ HOẠCH GIAO DỊCH:

  • Điểm mở vị thế “được hệ thống hóa” nhằm xác định chính xác cái gì là yếu tố kích hoạt quyết định mua vào.
  • Đâu là lúc bạn phải thoát khỏi toàn bộ cổ phiếu và thị trường? Hay cụ thể hơn, bạn biết khi nào cổ phiếu đang không di chuyển đúng kỳ vọng?
  • Bảo vệ lợi nhuận ra sao?
  • Bạn xác định giá trị cổ phiếu mua vào như thế nào và khi nào bạn sẽ quyết định tái cơ cấu lại danh mục?
  • Bạn đánh giá thời gian mua gom cho đến khi đủ số lượng cổ phiếu là bao lâu? Nắm giữ trong bao lâu?

2.   CẦN TUÂN THỦ KẾ HOẠCH GÌ

Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất, bạn phải quyết định bạn sẽ đặt cược bao nhiêu tiền cho thương vụ “làm ăn” này?

  • Trong làm ăn kinh doanh hay đầu tư, chắc chắn sẽ có những lúc khó khăn không như mong đợi, bạn phải biết thời điểm nào sẽ phải dừng cuộc chơi để làm lại
  • Bạn sẽ đặt cược bao nhiêu nó phụ thuộc vào điều gì?
  • Bạn có nên thay đổi mức đặt cược không và khi nào?

Bạn sẽ đầu tư thương vụ này trong bao lâu?

  • Liên quan đến chi phí cơ hội
  • Liên quan đến kỳ vọng

Nếu khoản đầu tư này đi đúng hướng, bạn có kế hoạch rót vốn để đầu tư thêm không?

  • Nếu mọi chuyện vượt kỳ vọng của bạn, hoặc sau một thời gian bạn nhận ra mình đang nắm giữ một vụ làm ăn béo bở, bạn sẽ gia tăng được lợi nhuận nếu rót vốn thêm, thì đâu là tín hiệu để bạn biết điều đó
  • Bạn có tính toán đến chuyện vay nợ để tăng đòn bẩy cho khoản đầu tư này không?

Nếu thương vụ này chưa đạt đến điểm lợi nhuận kỳ vọng nhưng bạn lại nhận ra nó không còn tốt như trước nữa, vậy bạn sẽ rút vốn vào lúc nào và rút vốn như thế nào?

  • Bạn sẽ rút hết vốn hay rút từng phần?
  • Sau khi rút vốn bạn sẽ làm gì

Bạn sẽ có bao nhiêu cổ phiếu trong danh mục? Số lượng cổ phiếu sẽ thay đổi ra sao?

  • Thương vụ lần này bạn sẽ có bao nhiêu hạng mục kinh doanh? Bạn sẽ dàn trải ra cả chục hạng mục kinh doanh hay chỉ tập trung vào 2 hay 3 hạng mục sinh lãi và hiệu quả nhất?

Ngoài tiền ra, bạn có đủ chuyên môn chưa?

  • Nghĩa là, bạn có tiêu chí về phân tích cơ bản đề nhìn ra cơ hội tốt không?
  • Bạn có sử dụng phân tích dòng tiền để xác nhận điều bạn nghĩ là đúng chưa?
  • Đầu tư là kỳ vọng vào những việc chưa xảy ra, bạn đang có nguyên liệu cần thiết cho một sự kỳ vọng đúng hay không?

Thị trường hồi phục, nhiều cố phiếu tăng điểm ngoạn mục và rất nhiều sự tư vấn được đưa ra từ các nhà tư vấn. Tuy nhiên quay lại phần chia sẻ đầu tiên của bài viết thì yếu tố then chốt để có thể đầu tư thành công chính là việc cần có “KẾ HOẠCH GIAO DỊCH” và hành động theo kế hoạch. Vậy kế hoạch đầu tư hiện tại của chúng ta là gì?